shop_1673582146BANNER.jpg
Giỏ hàng
Khuyến mãi
Lịch sử đơn hàng
Thanh toán
Tin tức
Liện hệ

Danh mục

Tất cả nhóm hàng

Ảnh thiên văn (Astrophotography) là một hình thức đặc biệt của nhiếp ảnh, trong đó, đối tượng để chụp là những thiên thể trên bầu trời, như mặt trăng, mặt trời, các hành tinh, ngôi sao hay các thiên hà, tinh vân... Thông thường, khi nhắc tới nhiếp ảnh thiên văn, người ta hay nghĩ tới những dàn máy cồng kềnh với các thiết bị "tiền tấn". Tuy nhiên, trên thực tế, với những dụng cụ ghi hình đơn giản cộng thêm với lòng kiên nhẫn, bạn vẫn có thể thu được những tấm ảnh đẹp đến không ngờ!


Ở Việt Nam , hình thức nhiếp ảnh thú vị này mới chỉ hạn chế ở các câu lạc bộ thiên văn học và những nhóm "phơi đêm" nhỏ lẻ. Tuy nhiên, không thể nói rằng trình độ "bắt trăng sao" của chúng ta thua kém bạn bè thế giới.


Sau đây là một số kinh nghiệm để làm quen với môn nghệ thuật "bắt hình" độc đáo này.


Chuẩn bị



 



Tripod và bản đồ sao - các thiết bị quan trọng trong nhiếp ảnh thiên văn. Ảnh: Magento


Thông thường, nhiếp ảnh thiên văn được thực hiện vào ban đêm, do đó phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết (đặc biệt là mây và sức gió) cũng như điều kiện ánh sáng. Các vùng đồng quê hoặc các đỉnh núi với trường nhìn rộng rãi, không khí thoáng đãng là nơi lý tưởng nhất. Đối với các khu đô thị lớn, bạn nên thực hiện việc chụp ảnh sau nửa đêm để tránh ảnh hưởng bởi khói bụi từ các phương tiện giao thông và ánh sáng "tạp nhiễu" không cần thiết đến từ đèn đường hay từ các ô cửa sổ...


Thiết bị đi kèm, không bắt buộc phải có tất cả, là máy ảnh compact hoặc DSLR, tripod, bản đồ bầu trời, ống nhòm, kính thiên văn và laptop. Nếu đã có máy DSLR, bạn nên đem theo một ống tele, thông thường có tiêu cự trên 200 mm. Cố gắng kiếm một chỗ đặt máy ảnh kín gió và kiểm tra tripod thật vững để tránh rung lắc khi ghi hình. Một điểm cũng quan trọng không kém là phải nhớ sạc đầy pin trước khi đi chụp. Nếu có thể, nên đem theo pin dự phòng vì thời gian chụp thường lâu, quá trình phơi sáng của chip cảm biến thường dài nên hao pin hơn bình thường khá nhiều.


Các bước cài đặt trên máy



Ảnh chụp mặt trời bằng Canon EOS 10D qua kính lọc quang phổ H-anlpha. Ảnh: Astrosurf


Ảnh thiên văn thường nhắm đến đối tượng ở rất xa nên trong tất cả các trường hợp, bạn phải đặt tiêu cự của ống kính ở vô cực và không bật flash.


Đối với việc ghi hình mặt trời, bạn không được tùy tiện hướng máy ảnh lên mà chưa qua các thao tác cài đặt trên máy. Điều này có thể làm cháy chip cảm biến và giảm tuổi thọ các bộ phận quang học khác. Trước khi chụp, bắt buộc phải cài đặt các thông số sau: ISO và khẩu độ đặt thấp nhất có thể (thông thường là ISO 80 và F/8); thời gian phơi sáng dưới 1/1000s.


Tuy nhiên, cho dù bạn có set các thông số đó xuống mức thấp nhất đi chăng nữa thì ảnh thu được của mặt trời cũng vẫn rất sáng, gây cháy ảnh nghiêm trọng (over exposure). Mặt khác, ánh nắng mặt trời có thể chiếu thẳng vào máy gây hiệu ứng nhiệt trực tiếp làm co giãn các thấu kính (đặc biệt là các thấu kính flourite đắt tiền), giảm tuổi thọ lớp phủ bề mặt thấu kính hay tệ hại hơn là làm hỏng chip cảm quang nếu chụp lâu. Biện pháp giải quyết thông thường nhất ở đây là lắp vào ống kính một hệ kính lọc. Hệ kính lọc đơn giản thường có 2 kính ghép lại: kính lọc tia tử ngoại và kính giảm sáng. Bạn cũng có thể tự chế kính lọc bằng các tấm phim X-quang, thủy tinh màu hay thậm chí cả kính râm... Chụp mặt trời không yêu cầu thời gian phơi sáng lâu nên không nhất thiết cần đến tripod.


Nếu ảnh thu được qua hệ thống kính lọc vẫn tối, bạn có thể nâng phơi sáng và ISO lên từng nấc nhỏ, tuy nhiên, tuyệt đối không được nâng độ mở (khẩu độ) của ống kính. Các đơn giản hơn là chuyển về chế độ Ưu tiên khẩu độ (Av hoặc F), đặt độ mở thấp nhất và nâng Exp dần dần. Với các trường hợp ghi hình mặt trời vào bình minh hay hoàng hôn, bạn có thể đặt các thông số này cao hơn hoặc sử dụng tùy chỉnh mặc cảnh có sẵn trong một số máy (chế độ "Sun set").



Có thể sử dụng chế độ mặc cảnh trọng máy để chụp mặt trời mọc hay lặn. Ảnh: Media-cdn


Đặc biệt lưu ý không được nhìn trực tiếp vào mặt trời nếu không có thiết bị bảo vệ mắt phù hợp.


Khác với mặt trời, độ sáng của mặt trăng thay đổi tùy thời gian (trăng tròn - trăng khuyết) nên việc set các thông số cũng tương đối linh hoạt. Ví dụ: Phơi sáng: dưới 1/40s; nếu không có tripod thì set ISO tăng cao một chút để giảm thời gian phơi sáng - các máy du lịch không nên tăng ISO quá 400; khẩu độ: ống kính mở rộng nhất có thể (F/2.8 hoặc thấp hơn).



Ảnh chụp trăng khuyết với thời gian phơi sáng lâu khiến nửa tối phía bên kia của trăng hiện ra rõ nét. Ảnh: Antwrp


Đặc biệt, trong các pha trăng khuyết, nếu muốn ghi lại nửa tối bên kia của mặt trăng (mà mắt thường rất khó nhận ra), bạn nên chỉnh phơi sáng lên khoảng vài giây và nhất thiết phải dùng tripod.


Ghi hình các chòm sao hoặc các thiên thể tối (thiên hà, tinh vân, sao chổi...) là thử thách khó khăn nhất của nhiếp ảnh thiên văn, tuy nhiên đem lại nhiều hứng thú cho người chụp. Bạn sẽ không chỉ gặp trở ngại trong việc xác định các đối tượng thiên văn vốn đã quá mờ tối mà còn phải đối phó với nhiễu ảnh trên máy và cân nhắc lựa chọn thời gian phơi sáng sao cho phù hợp... Ngoài ra, các yếu tố như gió, mây trong quá trình chụp cũng khiến nhiều người nản chí.


Tuy nhiên, với một máy ảnh số du lịch, nếu biết cách, bạn vẫn có thể chụp được rất tốt những đám tinh vân nhỏ hay dải Ngân Hà trắng muốt trong đêm hè quang đãng hay thậm chí cả một sao chổi tí xíu ở cách Trái Đất hàng triệu kilomet.



Sao chổi Holmes, chụp bằng Canon S2 IS, phơi sáng 15 giây, ISO 400, F3/5, zoom 12x. Ảnh: Vietastro


Trong trường hợp muốn ghi hình bầu trời rộng lớn, bạn nên sắm một ống kính góc rộng tương tự như chụp phong cảnh. Kinh tế hơn, có thể ghi hình dưới dạng Panaroma.


Đối với việc chụp các thiên thể mờ tối, nhất thiết phải set zoom của máy lên cao nhất, chú ý tiêu cự vẫn ở vô cực. Bạn có thể kết hợp bản đồ sao, ống nhòm và view finder trên máy ảnh để "lần" ra đối tượng cần chụp và từ từ chỉnh zoom tăng dần, cố định đối tượng tại trung tâm ảnh. Do thời gian phơi sáng khá lâu nên bắt buộc phải có tripod thật vững để đặt máy.


Các thông số cài đặt: ISO cao nhất có thể (thường là ISO 100-400 đối với máy du lịch, có thể nâng cao hơn nếu dùng máy DSLR); Khẩu độ: tương tự ghi hình mặt trăng; phơi sáng 9-15 giây. Không nên đặt phơi sáng quá 15 giây để tránh nhật động - hiện tượng các thiên thể di chuyển trên bầu trời theo thời gian, ảnh thu được khi đó sẽ có những vệt sao kéo dài. Nếu muốn phơi sáng lâu hơn, bạn phải có một chân đế xoay theo nhật động hoặc được trang bị motor chống nhật động tương tự như trên các kính thiên văn đắt tiền. Chế độ lấy nét: lấy nét ma trận (Evaluative) nếu muốn chụp trường rộng; lấy nét trung tâm (Center Weighted), nếu muốn cô lập đối tượng tại chính giữa khung hình.



Ảnh chụp thiên hà M31 từ Canon EOS 20D, ống kính Canon 300 mm f/2.8L USM IS. Ảnh: Astropix


Ảnh trên là kết hợp từ 57 hình chụp liên tiếp. Mỗi ảnh ISO 1600 - phơi sáng 2 phút dùng motor chống nhật động trên tripod.


Việc trang bị các ống tele cỡ lớn phục vụ việc nhiếp ảnh nằm ngoài khả năng của đa số mọi người. Do đó giới nghiền thiên văn đã nghĩ ra một sáng kiến thú vị: Kết hợp kính thiên văn với các thiết bị ghi hình đã tháo rời ống kính, chẳng hạn webcam hay máy DSLR. Ở đây, kính thiên văn đóng vai trò giống như một ống tele tạo ảnh trên mặt chip cảm quang. Sáng kiến này đã được áp dụng trên thế giới từ rất lâu tuy nhiên mới "du nhập" vào Việt Nam được khoảng 2, 3 năm nay. Câu lạc bộ thiên văn học TP. HCM HAAC là nơi đầu tiên áp dụng sáng kiến này trong việc chụp ảnh mặt trăng qua webcam Colorvis và kính thiên văn tự tạo giá chỉ vài trăm ngàn đồng. HAAC cũng đã thành công trong việc kết hợp Canon EOS 40D với kính thiên văn ORION SKYVIEW 150 để chụp ảnh các thiên thể có góc nhìn rất nhỏ như sao Thổ, tinh vân Orion hay thậm chí cả Mặt Trăng...



Ảnh chụp mặt trăng từ hệ thống Canon 40D và kính Orion Skyview 150 của câu lạc bộ thiên văn nghiệp dư TP HCM (HAAC). Ảnh: Vietastro


Xử lý ảnh


Xử lý ảnh sau khi chụp cũng là bước rất quan trọng, quyết định nhiều đến chất lượng cũng như giá trị thẩm mỹ của "tác phẩm" khi "ra lò".


Đối với ảnh thiên văn, do thời gian phơi sáng lâu và thường đặt ISO khá cao nên ảnh hay xảy ra nhiễu. Việc khử nhiễu trên máy tính không hề đơn giản vì các phần mềm thường nhầm lẫn các chấm nhiễu (noise) với các ngôi sao nhỏ li ti trong ảnh. Phương pháp hữu hiệu nhất thường được các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp sử dụng là kết hợp các tấm ảnh có ISO và thời gian phơi sáng khác nhau lại thành một, sử dụng các chế độ hòa trộn của phần mềm như ACDSee Canvas hay Adobe Photoshop. Chằng hạn, kết hợp 4 bức ảnh chụp tại ISO 100, phơi sáng 15 giây, kết quả sẽ được một ảnh tương đương chụp tại ISO 400, phơi sáng 60 giây. Phương pháp này sẽ làm tăng đáng kể độ sáng của bức ảnh thành phẩm mà không nhất thiết phải tăng ISO hay tăng phơi sáng khi chụp. Bức ảnh cuối cùng cũng sẽ có nhiễu thấp hơn, màu quang phổ của các đối tượng thiên văn cũng thật hơn.



Ảnh qua xử lý Panorama và tái xử lý màu sắc bằng phần mềm. Thông số: Canon Powershot A590 IS, 4 ảnh phơi sáng 15 giây, ISO 200, F/2.6. Ảnh: Trần Hạ.


Quá trình cân chỉnh màu trên máy tính cũng phải được lưu ý, vì thông thường, trong điều kiện thiếu sáng như chụp đêm, chế độ cân bằng trắng tự động của máy hoạt động không tốt lắm. Tuy nhiên, nên tránh xử lý quá tay kẻo làm hỏng bức ảnh mà bạn đã dày công cả đêm mới có được.


Chụp ảnh thiên văn là một hình thức nhiếp ảnh hấp dẫn đòi hỏi người cầm máy phải có kiến thức và đặc biệt phải có lòng kiên nhẫn, niềm đam mê cao độ với thiên nhiên, với bầu trời. Tuy nhiên, giống như các hình thức khác, nhiếp ảnh thiên văn thực chất chỉ là việc ghi nhận ánh sáng lên phim hay chip cảm biến trong một thời gian nhất định. Với những thiết bị đơn giản trong tay, bạn vẫn có thể chụp được những bức ảnh trăng sao tuyệt đẹp mà không cần đến những dàn máy cao siêu hay đáng giá cả một gia tài.

Theo TRẦN HẠ, SOHOA.NET)

Liên hệ

0